Văn hóa Việt: Đời sống tâm linh của người Việt Nam

Đời sống tâm linh của người Việt Nam từ xa xưa đã rất phong phú và phức tạp - hệt như các định nghĩa và tranh cãi xoay quanh khái niệm tâm linh. Bài viết này sẽ đề cập đến các yếu tố tâm linh thể hiện qua tín ngưỡng và các hiện tượng tâm linh nổi trội trong đời sống tinh thần của người Việt Nam từ xưa đến nay.

Bài viết tổng hợp những nghiên cứu của đội ngũ sáng tạo tại Red Cat khi tìm hiểu về thế giới tâm linh của người Việt Nam, một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất cho dự án Hành Trình Nhân Quả

Đời sống tâm linh của người Việt Nam từ xa xưa đã rất phong phú và phức tạp - hệt như các định nghĩa và tranh cãi xoay quanh khái niệm tâm linh. Bài viết này sẽ đề cập đến các yếu tố tâm linh thể hiện qua tín ngưỡng và các hiện tượng tâm linh nổi trội trong đời sống tinh thần của người Việt Nam từ xưa đến nay.

TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC

Dân tộc Việt Nam có nhiều tín ngưỡng, đầu tiên phải kể đến một tín ngưỡng cổ xưa nhất, đó là tín ngưỡng phồn thực. "Phồn" là nhiều, "thực" là nảy nở. Tín ngưỡng phồn thực xuất phát từ văn hoá nông nghiệp của người Việt cổ, với mong muốn duy trì và phát triển sự sống: sản xuất lúa gạo và sản xuất con người.

Biểu hiệu của tín ngưỡng phồn thực gồm hai loại: thứ nhất thờ cơ quan sinh dục nam nữ, thứ hai thờ bản thân hành vi giao phối. Ngày xưa, ở hội làng Đồng Kị (Hà Bắc) có tục rước sinh thực khí (cơ quan sinh dục nam) làm bằng gỗ, sau đó đem đốt đi và chia tro cho dân làng. Người xưa tin rằng việc này sẽ đem lại may mắn cho dân làng và cho vụ mùa, nếu bỏ qua thì trong năm đó cả làng sẽ gặp chuyện chẳng may. Hoặc có thể thấy tục lệ "giã cối đón dâu" của người xưa cũng có cơ sở từ tín ngưỡng phồn thực. Chày và cối tượng trưng cho bộ phận sinh dục của đôi nam nữ và người xưa tin rằng, việc giã cối đón dâu có tác dụng cầu chúc cho đôi nam nữ "con đàn cháu đống". Tín ngưỡng phồn thực đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử và được tìm thấy trên rất nhiều di tích, cổ vật, trong đó phải kể đến tượng, trống đồng hay hang đá. Đây chính là chiếc nôi thể hiện yếu tố tâm linh trong đời sống tinh thần của người Việt từ những ngày xa xưa nhất.

TÍN NGƯỠNG SÙNG BÁI TỰ NHIÊN

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao dân tộc ta lại tự hào mình là con Rồng cháu Tiên, con Hồng cháu Lạc chưa? Điều này xuất phát từ tín ngưỡng sùng bái tự nhiên - sùng bái động vật, thực vật của người Việt cổ. Hình tượng Rồng và Tiên bắt nguồn từ chim, rắn, cá sấu, những loài động vật có nhiều ở vùng sông nước và được người Việt cổ sùng bái hàng đầu. Những con vật này được khắc rất nhiều trên các mặt trống đồng. Con Rồng là sự kết hợp của cá sấu và rắn, sinh ra từ nước và bay lên trời, do đó hình ảnh con rồng Đông Nam Á không có cánh. Chữ "rồng" (tiếng Việt) và chữ "long" (Hán-Việt) đều bắt nguồn từ những từ trong tiếng Đông Nam Á cổ: krong, krông hay klong, có nghĩa là "sông nước". Bên cạnh con Rồng thì có cháu Tiên. Theo truyền thuyết, tổ tiên chúng ta thuộc họ Hồng Bàng, mà Hồng Bàng chính là một loài chim nước lớn.

Dự án phim hoạt hình Con Rồng Cháu Tiên do Red Cat Motion và Sun Wolf Animation Studio sản xuất.

Cũng chính tín ngưỡng sùng bái tự nhiên mà dẫn đến việc thờ tất cả những "vị thần" cai quản tự nhiên, là nguyên nhân dẫn đến tín ngưỡng đa thần của người Việt. Chúng ta thờ Bà Trời (Mẫu Cửu Trùng, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Mụ), Bà Đất (Địa Mẫu, Bà Chúa Xứ), Bà Nước (Bà Thuỷ, Bà Chúa Sông). Về sau do ý thức được sự đối lập âm dương mà có Ông Trời và do ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa nên có thêm Ngọc Hoàng, Thổ Công, Hà Bá, nhưng xa xưa nhất, tổ tiên ta thờ các nữ thần là phần nhiều. Bên cạnh việc thờ Trời, Đất, Nước, chúng ta còn thờ những vị thần quản lí thời tiết (do thời tiết ảnh hưởng đến mùa màng), các thần không gian, thời gian (ví dụ Thập Nhị Hành Khiển, mười hai vị thần - mỗi vị quản lí một năm theo Tí, Sửu, Dần, v.v và quản lí cả việc sinh nở, do đó ta có Mười Hai Bà Mụ).

Người Việt mình hay quen miệng nói với nhau: hú hồn hú vía, hay ba hồn bảy vía - những câu nói này đều bắt nguồn từ những niềm tin về mặt tâm linh thuở xa xưa, khi con người bắt đầu tìm cách lí giải thế giới và những hiện tượng xung quanh. Dân tộc Việt Nam tin rằng, trong mỗi con người đều tồn tại ba phần: hồn, xác và vía. Vía là một khái niệm để chỉ phần trung gian giữa xác và hồn. Theo quan niệm xưa, người nam có bảy vía, người nữ có chín vía. Đây cũng là cơ sở để người xưa giải thích cho các hiện tượng ngủ mê, ngất, chết hay sự đau ốm ở trẻ con. Do có phần vía tồn tại giữa hồn và xác, cho nên sẽ có những khái niệm như "yếu vía", "nặng vía" và cũng nảy sinh ra các hiện tượng tâm linh như "đốt vía", giải vía" nếu một người không may gặp tai nạn gì đó. Khi một người chết đi, phần xác và phấn vía (là những phần nặng) sẽ tiêu tan ở dương gian, tuy nhiên hồn vì nhẹ hơn rất nhiều nên xuất khỏi xác, lưu lạc trên trần gian.

TÍN NGƯỠNG SÙNG BÁI CON NGƯỜI

Người Việt Nam cũng tin rằng có một thế giới bên kia, tồn tại song hành cùng trần gian. Do vậy những người chết đi thì phần hồn của họ sau những ngày lưu lạc ở cõi sống sẽ được dẫn về cõi chết, hay cõi vĩnh hằng. Bởi chính niềm tin này mà chúng ta có tục thờ cúng ông bà, tổ tiên. Tục lệ này ở Việt Nam phổ biến hơn hẳn so với các dân tộc khác trong khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gần như trở thành một tôn giáo ở Việt Nam (Đạo ông bà) và hầu như trong nhiều gia đình Việt Nam đều có bàn thờ để thờ cúng ông bà. Dân tộc ta quan niệm dương sao âm vậy, nên khi cúng giỗ chúng ta cúng đồ ăn (gọi là cỗ: cỗ mặn, cỗ chay). Bên cạnh đồ ăn, chúng ta còn cúng cả quần áo, đồ dùng, tiền nong (được làm bằng giấy, gọi chung là vàng mã) để ông bà ở bên đó có đầy đủ đồ dùng và sự tiện nghi như khi còn tại thế.

Bàn thờ gia tiên - Nguồn: tuoitre.vn

CÁC HIỆN TƯỢNG TÂM LINH NỔI TRỘI

Từ cơ sở những tín ngưỡng cổ xưa nhất có liên quan mật thiết đến thế giới tâm linh của người Việt, chúng ta nhận thấy có một vài hiện tượng tâm linh nổi trội. Những hiện tượng này đóng vai trò quan trọng trong thế giới tâm linh cũng như có một giai đoạn, những chuyện kỳ lạ xảy ra xung quanh những điều này đã được bàn tán rầm rộ trong cộng đồng.

Đầu tiên phải kể đến hiện tượng lên đồng (hầu đồng, nhập hồn, nói chuyện với người chết). Hiện tượng này xuất phát từ niềm tin con người có hồn và xác và phần hồn thì tồn tại vĩnh hằng. Có những linh hồn mạnh mẽ đến nỗi nhập được vào người sống hay một người chết nào khác (ví dụ như trong truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt). Lên đồng là hiện tượng hồn của người đã chết, được kêu gọi để nhập vào một người đang sống (trong trường hợp này là nhập vào xác của ông (bà) đồng, những người làm lễ hầu đồng). Linh hồn được gọi có thể là linh hồn của ông bà (con cháu muốn gọi hồn ông bà về để hỏi thăm, xin phù hộ) hay có thể là linh hồn của một vị thần nào đó, hoặc cũng có thể là linh hồn của một người chết oan để người sống hỏi về lí do vì sao người đó chết.

Một ông đồng đang múa - Nguồn: Wikipedia

Một hiện tượng cũng nổi cộm và được bàn tán rộng rãi khác là hiện tượng ngoại cảm (hay được nhiều người biết đến với tên gọi khác là tìm mộ liệt sĩ). Một người có năng lực ngoại cảm sẽ có rất nhiều khả năng khác nhau như: đọc suy nghĩ người khác, nhìn thấy sự kiện hay vật thể ở một nơi khác, biết trước tương lai, hoặc tìm ra một người còn sống hay xác của một người đã chết bằng cách chạm vào vật thể (đồ dùng) có liên quan đến người cần tìm. Nếu bạn là một fan của loạt phim Stranger Things, thì bạn sẽ hình dung được một người có năng lực ngoại cảm sẽ là một người như nhân vật Eleven. Khác với hiện tượng hầu đồng, hiện tượng ngoại cảm được đánh giá một cách tích cực hơn, mặc dù cả hai hiện tượng này đều có điểm chung là một người sống có thể "gọi hồn" hay giao tiếp với các linh hồn của những người đã khuất. Lí do của sự khác biệt này, có thể nhắc đến công lao của những nhà ngoại cảm đã tìm ra thi hài của những vị anh hùng dân tộc, ví dụ như Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh. Đây có lẽ là lí do lớn nhất khiến hiện tượng ngoại cảm được quan tâm và những người sở hữu năng lực ngoại cảm được trân trọng hơn.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng loạt các hiện tượng tâm linh khác có mặt trong đời sống tâm linh của người Việt (ví dụ như bùa ngải, ma ám, báo ứng, duyên ma, v.v). Những điều này chứng minh rằng, thế giới tâm linh của dân tộc Việt rất phong phú và phức tạp, ngay từ thuở xa xưa cho đến nay.

Các hiện tượng tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo đa dạng ở Việt Nam một phần là do ảnh hưởng của văn hoá các nước lân cận, nhưng có thể nói những niềm tin về mặt tín ngưỡng và tâm linh của người Việt có xuất phát từ văn hoá nông nghiệp, do đó mới có tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng đa thần, có đạo ông bà, phản ảnh triết lí âm dương (đối tượng được tôn thờ và cúng bái luôn là một đôi: Trời - Đất, Rồng - Tiên, ông đồng - bà cốt, v.v). Cũng chính vì sự phong phú và phức tạp trong đời sống tâm linh mà dẫn đến các nhu cầu liên quan, chẳng hạn như: cầu cơ, đi lễ, xem bói, hoặc thậm chí sinh ra những hiện tượng cực đoan về mặt tâm linh như: chữa bệnh hay xin lợi lộc bằng bùa ngải, hay uống nhang, uống tro để chữa bệnh. Khoảng cách về niềm tin tâm linh và mê tín dị đoan có thể nói là khá mỏng manh, cộng thêm sự đa dạng và phức tạp trong tâm linh, là lí do để chúng ta tích góp tri thức để có thể lựa chọn cho mình những giá trị tâm linh đúng đắn và đem lại lợi ích về mặt tinh thần cho mỗi cá nhân và cộng đồng.

Yên Tâm

Tư liệu tham khảo:

  • Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam - GS. Viện sĩ Trần Ngọc Thêm 

  • http://dsvh.gov.vn/Upload/files/Tap chi DSVH/So 26/2609_Van de tam linh va van hoa tam linh hien nay.pdf

  • https://vi.wikipedia.org/wiki/Tâm_linh

  • http://khxhnvnghean.gov.vn/m/?x=4062/nghien-cuu-khxhnv/ngay-xuan-lam-ban-ve-doi-song-tam-linh-hien-nay