Nhật ký làm phim: Colour Script là gì?

Hôm nay chúng tôi sẽ “học thuật” một tí về quy trình làm phim nha. Lần này chúng tôi viết về màu sắc. Màu sắc có một sức mạnh to lớn trong việc truyền tải cảm xúc đến khán giả. Mỗi hình ảnh dưới đây có tạo cảm giác khác nhau cho bạn không?

Trong quy trình làm phim hoạt hình, một khái niệm quen thuộc mà chúng tôi không thể bỏ qua đó là Colour Script, dịch ra tiếng Việt tạm gọi là kịch bản màu. Dưới đây là một đoạn Colour Script trong tập phim U Linh Tích Ký: Bột Thần Kỳ. Đây là phiên bản thứ 4 hoặc 5 gì đó.

Nếu bạn đã biết tới Storyboard thì không khó để hiểu về Colour Script. Cũng tương tự Storyboard, Colour Script là Storyboard được tô màu. Nhưng điểm khác biệt ở Colour Script là bạn sẽ chỉ chọn ra những khoảnh khắc quan trọng trong câu chuyện mà tô. Chứ khung hình nào cũng tô thì hơi mệt, hehe.

Vậy Colour Script để làm gì?

Nói một cách khó hiểu: Colour Script giúp chúng ta hình dung về việc kết hợp các bảng màu khác nhau thay đổi theo từng cảm xúc trong quá trình phát triển của câu chuyện. 

Một cách giải thích khác: Colour Script giúp chúng ta thấy được sự thay đổi cảm xúc thông qua việc thay đổi màu sắc và ánh sáng trong phim.

Giải nghĩa: Bạn hãy thử hình dung nếu bạn đang có tâm trạng buồn, bạn muốn xung quanh bạn là những màu gì? Xanh đen, đen, nâu đỏ, tím than... còn nếu bạn đang có một ngày phấn khởi thì bạn muốn thấy những màu gì? Vàng tươi, xanh da trời.... Chắc bạn hiểu thêm xíu rồi hen. Bạn có thể hình dung thế này, mỗi khoảnh khắc xung đột trong câu chuyện sẽ có những bảng màu khác nhau.

Một phiên bản Colour Script khác mà Sun Wolf Animation Studio thực hiện cho bộ phim. Tuy nhiên chúng tôi đã không dùng phiên bản này vì nó chưa phản ánh được màu sắc tổng thể của câu chuyện.

Dĩ nhiên quá trình sáng tạo của chúng tôi sẽ phức tạp hơn như thế. Thông qua kịch bản và bàn bạc với đạo diễn, chúng tôi sẽ hiểu rõ được những cảm xúc cần phải truyền tải của mỗi phân đoạn. Cùng với cảm xúc tổng thể của phim, chúng tôi bắt đầu xây dựng ra một bảng màu cơ bản. Từ bảng màu cơ bản đó, chúng tôi mới phát triển thêm các bảng màu phụ và phân thành nhóm. Giữa các nhóm màu này cần phải có sự chuyển tiếp để không tạo cảm giác đột ngột, chúng tôi tạo ra bảng màu chuyển tiếp. Cứ như thế bạn sẽ thấy được sự phát triển của câu chuyện thông qua bảng màu.

Cách thức đơn giản nhất bạn có thể bắt đầu là lang thang trên internet, tạp chí, truyện tranh phim ảnh để tìm nguồn cảm hứng. Chúng ta có thể chụp lại, cắt dán xếp các “bảng màu” này lại với nhau. Đây là cách nhanh nhất giúp chúng ta có một hình dung ban đầu về cảm xúc cho câu chuyện của mình.

Một gợi ý khác là bạn cần nhớ mục tiêu của colour script là truyền tải màu sắc nên các chi tiết không cần phải quá đẹp hay quá rõ. Việc này giúp các bạn tập trung đúng vào chức năng của colour script.

Trích nhật ký những ngày làm phim.

Nhật ký làm phim: Bối cảnh

Bối cảnh (Background) là một phần vô cùng quan trọng trong phim hoạt hình. Điều cơ bản nhất là nó giúp chúng ta biết từng tình huống trong câu chuyện đang diễn ra ở đâu. Đội ngũ thực hiện toàn bộ bối cảnh trong tập phim hoạt hình U Linh Tích Ký: Bột Thần Kỳ bao gồm 3 người, một con số khá khiêm tốn.

Chợ trời, một trong những địa điểm thú vị trong dự án Hành Trình Nhân Quả.

Ở một bài viết dài hơn, chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn về cách thức chúng tôi xây dựng các bối cảnh trong phim như thế nào. Còn hôm nay chúng tôi sẽ kể cho các bạn 2 câu chuyện ngoài lề liên quan đến công việc của đội ngũ làm bối cảnh.

Bạn muốn làm một mình hay làm với đội ngũ

Anh đạo diễn hay đùa vui rằng:

Nếu em thích làm một mình thì em vẽ sao cũng được.

Đây cũng là một trong những kinh nghiệm xương máu của chúng tôi. Năm 2019 khi chia sẻ teaser đầu tiên của dự án phim dài trong Hành Trình Nhân Quả, toàn bộ bối cảnh trong teaser đều được thực hiện bởi một bạn họa sĩ duy nhất, đó là Tín. Dù lúc đó cũng có một vài họa sĩ khác trong nhóm nhưng Tín có kinh nghiệm nhất và tạo ra được cái cảm xúc của phim. Chỉ có điều đó là lần đầu tiên Tín vẽ bối cảnh cho phim hoạt hình nên còn nhiều thứ để học. Một trong những điểm mạnh của Tín là khả năng đi mảng nhanh và chọn lựa màu sắc. Tuy nhiên Tín lại không có khả năng đi chi tiết sâu. Điều quan trọng nhất là phong cách Tín xây dựng cho phim hoạt hình cần nhiều thời gian cho các bạn khác để học hỏi và áp dụng. Việc này cũng nằm trong kế hoạch của chúng tôi nhưng sau đó vì một vài lý do cá nhân, Tín không thể tiếp tục và việc đào tạo cũng không triển khai được. Kể từ sau đó, chúng tôi buộc phải thay đổi phong cách một lần nữa. Phong cách mới trong phim là những gì các bạn thấy, có chiều sâu hơn, nhiều chi tiết hơn, thỏa mãn hơn và cũng tốn thời gian hơn. Tất cả cũng nhờ có Mỹ. Mỹ tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật xong là “mần” với chúng tôi từ đó đến giờ. Điều khác biệt là Mỹ và các bạn trong nhóm đã có thể chia sẻ công việc cùng nhau và nắm bắt được phương pháp vẽ cùng nhau.

TỈA: từ lóng ám chỉ bạn vẽ một cái gì đó rất chi tiết và mất thời gian.

Một ngày nọ khi anh đạo diễn chia sẻ một trong những thước phim hoàn chỉnh đầu tiên với cả nhóm. Mọi người đều háo hức. Tuy nhiên Đạt lại trăn trở.

Đạt: Em giận anh lắm!
Anh Leo: Sao thế?
Đạt: Em tỉa kỹ mấy cái background như vậy mà anh làm mờ hết của em?
Anh Leo: Trời! Nhờ em tỉa kỹ mà làm mờ mới đẹp được vậy.
Đạt: Nhưng mà có mấy phim hoạt hình họ đâu làm mờ đâu.
Anh Leo: Thì phim mình khác. Tùy cảnh mà bối cảnh sẽ mờ hay không, như camera thực tế thôi.

Có vẻ không thuyết phục lắm !?!!!

Anh Leo: Thôi được rồi, anh sẽ làm một bản không mờ tri ân team background.
Đạt: Anh nhớ nha :))

Anh đạo diễn hay bảo chúng tôi rằng tùy cảnh hãy tỉa kỹ để giảm tải công việc không cần thiết. Ban đầu thì các bạn có cân nhắc nhưng làm riết lại quay về “thói cũ”. Xong anh bảo: “Thôi kệ, thích tỉa thì anh cho tỉa, để các bạn thỏa mãn cái tính nghệ sĩ của mình mà làm cho tốt”.

Chuyện làm phim hoạt hình không bao giờ là chuyện cá nhân cả các bạn à. Nó là cả một văn hóa làm việc tập thể nữa.

Trích nhật ký những ngày làm phim.

Nhật ký làm phim: Nhà Gạo

Gạo, là nhà một cô bé sống tại Nhân Giới. Sau này cô bé vì vô tình đã bị…. À mà thôi nói trước không hay.

Nhưng tại sao lại nói về nhà Gạo. Bởi vì đây là cái nhà mà vất vả lắm chúng tôi mới vẽ nó ra đúng được ý đồ của anh đạo diễn. Nhà Gạo rất rộng nhưng cô bé chỉ sống một mình với bà. Căn nhà cũ nằm trong một con hẻm Sài Gòn và được xây từ rất lâu, những năm 1990. Trước nhà là một khoảng sân lớn có một cái cây to che bóng mát.

Không phải nhà này các bạn ạ. Nhà này thì giống ở vùng quê xa Sài Gòn hơn.

Nhà Gạo này lại càng không đúng vì trông xa hoa quá. Nắm được tinh thần của nhà Gạo là một chuyện không hề dễ. Đây chỉ là một trong vô vàn ý tưởng không được duyệt.

Chúng tôi bắt đầu lại từ đầu bằng việc hiểu thêm về bối cảnh và nơi câu chuyện bắt đầu. Đây là một trong những con hẻm dẫn vào nhà Gạo. Chúng tôi còn lên cả sơ đồ bố trí một góc của khu phố nơi Gạo sinh sống.

Và cuối cùng chúng tôi có nhà Gạo, và chỉ dành cho Gạo. Một không gian sống thân thuộc nhưng ngày càng hiếm gặp ở Sài Gòn.

Phải còn lâu lắm Gạo mới được lên phim. Các bạn hãy đón chờ nhé.

Trích nhật ký những ngày làm phim.

Nhật ký làm phim: Kịch bản hình ảnh, Storyboard

Hôm nay chúng mình nói về quy trình làm phim. Nếu bạn chưa biết thì một trong những bước quan trọng là làm Storyboard, dịch ra tiếng Việt là kịch bản hình ảnh. Storyboard là tổng hợp các khung hình vẽ (đa phần là trắng đen) được xếp theo một trật tự miêu tả sự tiếp nối các hành động, tình huống trong phim. Nói một cách dễ hiểu thì giống như bạn đọc truyện tranh, mỗi khung hình sẽ nói cho bạn một thông tin nào đó, như cảm xúc của nhân vật hay hành động của họ. Hành động càng nhiều thì họa sĩ càng vẽ nhiều khung hình khác nhau. Storyboard cho phim hoạt hình cũng dựa trên nền tảng đó, nhưng kỹ thuật sẽ khác đôi chút. Dưới đây là một ví dụ.

Storyboard cũng là một cách để mọi người trong đoàn phim hiểu về câu chuyện và công việc họ sẽ làm một cách trọn vẹn. Các khung hình trong storyboard không cần phải vẽ quá kỹ hay đẹp xuất sắc như các trang truyện mà cần những thông tin quan trọng về cảm xúc, diễn xuất, góc máy, không gian, phối cảnh, chuyển cảnh... Nói chung là rất nhiều thứ mà một họa sĩ storyboard phải tính tới. Nếu Director là đạo diễn phim thì họa sĩ storyboard (Storyboard Artist) giống như một mini Director. Thường hai nhân vật này sẽ ngồi làm việc chặt chẽ với nhau.

Phim của tụi mình cũng có Storyboard và điều đặc biệt là 4 tháng trước khi tới hạn nộp phim tụi mình còn sửa storyboard. Cho đến hiện tại, chúng mình có một bộ sưu tập storyboard. Cùng một câu chuyện nhưng lại có rất nhiều cách để kể. Bên dưới là một trong những storyboard đi theo hướng hành động kungfu đầy máu lửa.

Phim ngắn của tụi mình có rất nhiều họa sĩ storyboard tham gia, cũng phải tới 6-7 người để bù đắp cho những thiếu sót của nhau. Nghe công phu quá nhỉ. Mỗi bạn lại có sự sáng tạo khác nhau, nhờ vậy mà chúng tôi có được những góc nhìn thú vị cho câu chuyện của mình.

Với công nghệ bây giờ thì bạn có thể vẽ storyboard trên máy, vô cùng nhanh và tiện lợi. Nhưng nếu không có máy tính, bảng vẽ thì... không sao cả, tụi mình vẽ trên giấy. Vẽ bằng gì, hay thế nào không quan trọng. Quan trọng là sự rõ ràng trong mỗi khung hình. Rõ ràng ở đây là thông tin bạn muốn khán giả thấy được.... Túm lại là vẽ storyboard quan trọng lắm và phim chúng mình có storyboard các bạn nhé ^^.

Tụi mình vẽ cả storyboard trên giấy và máy tính nè.

Trích nhật ký những ngày làm phim.